KIẾN THỨC Y HỌC

Chó đẻ răng cưa (Diệp hạ châu đắng)

Đăng ngày 07 tháng 07 năm 2023

Cây chó đẻ răng cưa (diệp hạ châu đắng) là vị thuốc có vị đắng, tính mát. Loại cây mọc rải rác ở khắp mọi nơi, trừ vùng núi cao, có khí hậu lạnh. Toàn thân có màu xanh tươi, cành ngắn, rất ít phân nhánh.

Tên tiếng Việt: Diệp hạ châu đắng, Chó đẻ thân xanh, Chó đẻ răng cưa 

Tên khoa học: Phyllanthus niruri L. 

Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu)

Mô tả cây 

  • Cây thảo, sống hàng năm hay sống dai, cao 20 – 30 cm, có thể đến 60 – 70 cm. Thân nhẵn, thường có màu xanh.

  • Lá mọc so le, hình bầu dục, xếp xít nhau thành hai dãy như một lá kép hình lông chim, mặt trên xanh lục nhạt, mặt dưới mày xám nhạt, dài 1 – 1,5 cm, rộng 3 – 4 mm; cuống lá rất ngắn.

  • Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống ngắn, đơn tính cùng gốc; hoa đực ở đầu cành có 6 lá dài, 3 nhị, chỉ nhị ngắn; hoa cái ở cuối cành, 6 lá dài, bầu hình trứng.

  • Quả nang, hình cầu, hơi dẹt, mọc rủ xuống ở dưới lá, có khía mờ và có gai; hạt hình 3 cạnh.

  • Mùa hoa: tháng 4 – 6; mùa quả: tháng 7 – 9.

Cây dễ nhầm lẫn

Cây Diệp Hạ Châu đắng và Diệp Hạ Châu ngọt trong dân gian đều được gọi với cái tên Chó đẻ răng cưa. Tuy nhiên, nếu xét trên tác dụng về gan mật thì chỉ có Diệp hạ châu đắng hay Chó đẻ thân xanh là có tác dụng tốt, giải độc gan mạnh và được dùng làm thuốc. Vậy làm sao để phân biệt 2 loại cây này:

* Cây chó đẻ thân xanh (diệp hạ châu đắng): Phyllanthus niruri (tên đồng nghĩa Phyllanthus amarus): Toàn thân có màu xanh tươi, cành ngắn, rất ít phân nhánh, phiến lá có màu xanh nhạt, ngắn và mỏng hơn cây chó đẻ thân đỏ. Khi nhai có vị đắng nên trong đông y được gọi là cây diệp hạ châu đắng. Đây là loài có dược tính mạnh nhất, khi nói về cây chó đẻ hay diệp hạ châu thì mọi người hầu như ám chỉ đến loài này.

* Cây chó đẻ thân đỏ (diệp hạ châu ngọt) Phyllanthus urinaria: Thân có màu hanh đỏ và màu thường đậm nơi gốc cành, phân nhánh rất nhiều, phiến lá có màu xanh hơi đậm, dài và dầy hơn cây chó đẻ thân xanh. Khi nhai có vị ngọt nên trong đông y được gọi là cây diệp hạ châu ngọt. Khác với điều một số người thường nghĩ, cây chó đẻ thân đỏ vẫn được khai thác trong tự nhiên để làm thuốc nhưng có lẽ dược tính không mạnh bằng cây chó đẻ thân xanh nên không được trồng đại trà.

* Một loài diệp hạ châu nữa Phyllanthus sp. có màu xanh đậm, lá rời rạc, phiến lá hẹp và chóp nhọn hơn so với hai loài trên. Loài này không được dùng làm thuốc.

Lưu ý: 

Một số cá thể chó đẻ thân đỏ lại hầu như không có màu đỏ (mất đỏ). Những cây như thế này thường xuất hiện vào mùa mưa hay ở những vùng có nhiều nước, có lẽ cây lớn quá nhanh không tích đủ chất sắt hoặc vùng đất nghèo chất sắt. Trên mạng có rất nhiều hình cây Phyllanthus urinaria “mất đỏ” được dùng minh họa cho cây chó đẻ thân xanh Phyllanthus niruri.

Đây là một lỗi khá phổ biến, bởi vậy chúng ta không nên hoàn toàn dựa vào màu đỏ để phân biệt các loài diệp hạ châu (mà phải dựa vào dạng lá). Một lỗi nữa là sự nhầm lẫn giữa tên khoa học của hai loài này với nhau nhưng không gây ra tác hại gì. Khi khác thác cây dược liệu, chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề này để chọn đúng loại cây chó đẻ có dược tính mạnh nhất, tức chó đẻ thân xanh.

Phân bố sinh thái

Chi Phyllanthus L. có nhiều loài, gồm những cây thảo đến các cây bụi hay gỗ nhỏ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, chi này có khoảng 40 loài, trong đó đáng chú ý là 2 loài Phyllanthus urinaria L. và P. niruri L. có hình dáng gần giống nhau, mọc rải rác khắp nơi trừ vùng núi cao lạnh. Trên thế giới, các loài này cũng có vùng phân bố rộng rãi ở một số nước nhiệt đới Châu Á khác như Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Lào và ở cả Nam Trung Quốc.

  • Chó đẻ là cây ưa ẩm và ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng, thường mọc lẫn trong các bãi cỏ, ở ruộng cao (đất trồng màu), nương rẫy, vườn nhà và đôi khi ở vùng đồi.

  • Cây con mọc từ hạt vào cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong mùa hè và tàn lụi vào giữa mùa thu. Do khả năng ra hoa kết quả nhiều, hạt giống phát tán gần nên cây thường mọc thành đám dày đặc, đôi khi lấn át cả các loại cỏ dại và cây trồng khác.

Bộ phận dùng

Toàn cây chó đẻ bỏ rễ, rửa sạch, dùng tươi hay sấy khô.

Thành phần hóa học 

  • Flavonoid: kaempferol, quercetin, rutin.

  • Triterpen: stigmasterol, stigmasterol – 3 – 0 – b – glucosid, b – sitosterol, b – sitosterol glucosid, lup – 20 – en – 3b – ol.

  • Tanin: acid elagic, acid 3, 3′, 4 – tri – 0 – methyl elagic, acid galic.

  • Phenol: methylbrevifolin carboxylat.

  • Acid hữu cơ: acid succinic, acid ferulic, acid dotriacontanoic.

  • Các thành phần khác: n-octadecan, acid dehydrochebulic methyl ester, triacontanol, phylanthurinol acton.

  • Lignan: phylanthin (Không nhầm Phylantin = methoxysecurinin là alcaloid có nhân quinolizidin với phylantin là lignan).

Tác dụng dược lý 

Trong thí nghiệm về hoạt tính bảo vệ gan của cây diệp hạ châu đắng chống lại tổn thương gan gây thực nghiệm trên chuột cống trắng, cao cồn toàn vây (liều uống 100mg/kg x 7) đã biểu lộ tác dụng bảo vệ đáng kể thông qua những thông số hoá sinh của huyết thanh và gan. Phân đoạn chiết với butanol có hoạt tính bảo vệ gan cao nhất, liều uống 50mg/kg x 7 có tác dụng bảo vệ 35 – 85 %. Phân đoạn chiết với nước có tác dụng bảo vệ gan nhẹ (20 – 40%).
Phyllanthin và hypophyllanthin có tác dụng bảo vệ tế bào gan chuột cống trắng chống tính độc hại tế bào gây bởi carbon tetraclorid và galactosamin. Chất triterpen triacontanol phân lập từ cây chó đẻ có tác dụng bảo vệ gan chống lại tính độc hại tế bào gây bởi galactosamin trên tế bào gan chuột cống trắng.

Điều này xác minh ít nhất một phần tác dụng bảo vệ gan của cao cồn cây chó đẻ trên chuột cống trắng.
Các thí nghiệm về cây chó đẻ in vitro với kháng nguyên HBsAg và với tổn thương gan do carbon tetraclorid gây nên đã chứng minh là cây chó đẻ có tác dụng kháng virus viêm gan B. Trong cùng điều kiện thí nghiệm in vitro, geraniin phân lập từ lá cây diệp hạ châu đắng cũng được chứng minh có tác dụng kháng virus viêm gan B.

Một loạt những acid phenolic phân lập từ các loài Phyllanthus trong đó có các cây chó đẻ và diệp hạ châu đắng, có tác dụng ức chế DNA polymerase của siêu vi khuẩn viêm gan B. Cao cây chó đẻ có tác dụng ức chế trên men polymerase của siêu vi khuẩn viêm gan B của vịt trong khi cao diệp hạ chây đắng không có tác dụng này.

Trong một nghiên cứu lâm sàng sơ bộ với một dạng bào chế từ toàn bộ cây diệp hạ châu đắng (trừ rễ) trên người mang siêu vi khuẩn viêm gan B, với liều 200mg trong 30 ngày, trong tổng số 37 bệnh nhân điều trị, có 22 người (59%) đã mất kháng nguyên bề mặt HBsAg của viêm gan B khi xét nghiệm ở ngày 15 – 20 sau khi kết thúc điều trị. Ở nhóm bệnh nhân dùng placebo, chỉ có 1 bệnh nhân trong số 23 bệnh nhân đối chứng (4%) có kết quả xét nghiệm về kháng nguyên HBsAg như trên. Đã theo dõi một số đối tượng được điều trị với chế phẩm từ diệp hạ châu đắng đến 9 tháng, không có trường hợp nào kháng nguyên bề mặt trở lại. Quan sát lâm sàng thấy có ít hoặc không có tác dụng độc.

Cây chó đẻ có tác dụng kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn coli, Shigella desenteriae, S.flexneri, S.shigae, Moraxella và kháng nấm đối với Aspergillus fumigatus. Acid galic chứa trong cây có tác dụng kháng khuẩn yếu. Một dẫn chất phenolic và một flavonoid phân lập từ cây chó đẻ có tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn và kháng nấm rõ rệt. Cao chiết với cồn – nước từ cây chó đẻ có tác dụng giảm đau chống lại cảm giác đau gây nên do formalin và capsaicin ở chuột nhắt trắng (hoạt tính chống nhận cảm đau); và cao cồn methylic có tác dụng hạ đường máu trên chuột cống trắng đái tháo đường.

Cây diệp hạ châu đắng có tác dụng kháng khuẩn và diệt nấm. Cao toàn cây diệp hạ châu đắng làm giảm nhu động ruột, làm chậm vận chuyển thức ăn khỏi dạ dày trên chuột cống trắng, và gây dãn hồi tràng cô lập trên chuột cống trắng. Điều này xác minh công dụng của diệp hạ châu đắng trong điều trị tiêu chảy và những rối loạn tiêu hoá ở một số nước. Cao toàn phần cây diệp hạ châu đắng còn có tác dụng lợi tiểu: hạ áp và hạ đường máu ở người. Đã chứng minh một cao cồn của diệp hạ châu đắng gây giảm sinh sản ở chuột nhắt đực.

Loài Phyllanthus niruri rất giống loài P.urinaria và cũng được dùng.Thử nghiệm in vitro cho thấy cây P.niruri có tác dụng chống ký sinh trùng sốt rét ở mức độ vừa. Cao nước từ lá có tác dụng hạ đường máu, ở thỏ bình thường và thỏ đái tháo đường. Cao làm hạ đường máu ngay cả khi cho thỏ uống một giờ sau khi cho uống glucose, hoạt tính hạ đường máu của thuốc này cao hơn tác dụng của tolbutamid. Đã chứng minh 2 flavonoid ký hiệu FG1 và FG2 phân lập tử phân đoạn tan trong nước của cao cồn P.niruri có hoạt tính hạ đường máu bằng đường uống trên chuột cống trắng tiêm allaxan. Mức độ giảm đường máu khoảng 20% với FG1 và 25% với FG2. Những flavonoid này không có hoạt tính giảm đường máu ở chuột cống trắng bình thường.

Tính vị, công năng 

Cây chó đẻ có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng tiêu độc, sát trùng, tiêu viêm, tán ứ, thông huyết mạch, lợi tiểu.

Công dụng và liều dùng

Nhân dân rất hay dùng cây chó đẻ răng cưa làm thuốc, giã nát với muối chữa đinh râu, mụn nhọt. còn có tác dụng chữa bệnh gan, chữa sốt, đau mắt, rắn cắn. Ngày uống 20-40g cây tươi, sao khô sắc đặc mà uống.

Cây chó đẻ được dùng để chữa đau viêm họng, đinh râu, mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sản hậu ứ huyết đau bụng, trẻ em tưa lưỡi (giã cây tươi, lọc lấy nước cốt bôi), chàm má (giã nát đắp). Ngoài ra còn dùng chữa bệnh gan, sốt, rắn rết cắn, và dùng cây tươi giã đắp hoặc dịch ép cây tươi bôi ngoài, liều lượng không hạn chế.

Kiêng kị: Phụ nữ có thai không nên dùng.

  • Trong y học dân gian Ấn Độ, người ta dùng cây chó đẻ với tác dụng lợi tiểu rất tốt. Nước ép lá cho vào sữa dùng cho trẻ em làm ăn ngon miệng. Cây diệp hạ châu đắng được coi là thuốc làm săn, khai thông và sát trùng, và được dùng trị khó tiêu, lỵ, phù, bệnh đường niệu – sinh dục, bệnh lậu và đái tháo đường. Lá và quả diệp hạ châu đắng được giã và làm bột nhão với nước sữa, tỏi và hạt tiêu và dùng uống trị vàng da. Dưới dạng thuốc đắp bào chế với nước gạo, diệp hạ châu đắng dùng chữa sưng phù và loét. Dược liệu này còn được dùng trị giun trẻ em.

  • Ở Đông Nam Á, cây chó đẻ có cùng công dụng như diệp hạ châu đắng, nhưng diệp hạ châu đắng thường được ưa dùng hơn. Từ Hải Nam đến Indonesia, diệp hạ châu đắng dưới dạng thuốc sắc hoặc chè được dùng uống để lợi tiểu để trị bệnh thận và gan, cơn đau bụng và bệnh hoa liễu, và làm thuốc long đờm trị ho, thuốc hạ sốt, điều kinh, và trị tiêu chảy. Nước sắc toàn cây dùng làm thuốc bổ dạ dày. Cây giã đắp ngoài trị đụng dập và bệnh da.

  • Ở Papua Niu Ghinê, thuốc hãm để nguội của toàn cây được dùng để trị nhức đầu và chứng nhức nửa đầu (migraine). Ở Trung và Nam Mỹ, người ta dùng diệp hạ châu đắng để trị sốt rét, bệnh thận, sỏi thận, sỏi bàng quang, rối loạn tiết niệu, và gây sẩy thai.

  • Trong y học dân gian Tanzania, cao nước phần trên mặt đất của diệp hạ châu đắng được dùng điều trị đái tháo đường không phụ thuộc insulin. Ở Nigeria, cao nước cây khô trị tiêu chảy. Lá nhai chữa ho dai dẳng và làm giảm đau dạ dày. Ở Bờ Biển Ngà, diệp hạ châu đắng làm đẻ dễ, chữa đau họng, đau gian sườn, đau mình mẩy, sốt và phù. Thường dùng lá dưới dạng thuốc sắc uống trong nhiều bệnh, đặc biệt trong một số bệnh da, vàng da, nôn, bệnh lậu và đánh trống ngực.

  • Cây chó đẻ dưới dạng dịch ép được dùng trong y học dân gian Malaysia làm sạch lưỡi trẻ em và kích thích ăn ngon miệng. Ở Papua Niu Ghinê, nước sắc dùng hạ sốt. Ở Brunei, thuốc đắp từ lá cùng với sữa dùng trị bệnh đậu mùa. Ở Campuchia cây chó đẻ trị sốt rét. Ở Thái Bình Dương, cây được dùng điều kinh và gây sẩy thai. Ở Guam, nước sắc của cây này trị lỵ và ở quần đảo Solomon, lá chữa đau ngực.

Minh chứng khoa học

Cây Diệp hạ châu đắng có tác dụng vô cùng tích cực trên gan

1. Điều trị viêm gan 

Tác dụng giải độc gan và có tác dụng kháng virus viêm gan B chỉ mới được các nhà khoa học lưu ý từ những năm 1980 về sau. Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản và Ấn Độ cho biết họ đã phân lập được những hợp chất trong cây diệp hạ châu có khả năng chữa bệnh viêm gan. Một báo cáo trên tạp chí Lancet vào năm 1988 cũng xác định tác dụng này. Theo đó, 2 nhà khoa học Blumberg và Thiogarajan đã điều trị 37 trường hợp viêm gan siêu vi B với kết quả 22 người âm tính sau 30 ngày dùng diệp hạ châu. Đối với viêm gan siêu vi, 50% yếu tố lây truyền của virus viêm gan B trong máu đã mất sau 30 ngày sử dụng loại cây này (với liều 900 mg/ngày).
Tại Việt Nam, khá nhiều công trình nghiên cứu về tác dụng điều trị viêm gan của Diệp hạ châu đã được tiến hành, chẳng hạn: nhóm nghiên cứu của Lê Võ Định Tường (Học Viện Quân Y – 1990 – 1996) đã thành công với chế phẩm Hepamarin từ Phyllanthus amarus; nhóm nghiên cứu của Trần Danh Việt, Nguyễn Thượng Dong (Viện Dược Liệu) với bột Phyllanthin (2001).

2. Tác dụng trên hệ thống miễn dịch 

Vào năm 1992, các nhà khoa học Nhật Bản cũng đã khám phá tác dụng ức chế sự phát triển HIV-1 của cao lỏng Phyllanthus niruri thông qua sự kìm hãm quá trình nhân lên của virus HIV. Năm 1996, Viện nghiên cứu Dược học Bristol Myezs Squibb cũng đã chiết xuất từ Diệp hạ châu được một hoạt chất có tác dụng này và đặt tên là “Nuruside”.

3. Tác dụng giải độc 

Người Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc dùng Diệp hạ châu để trị các chứng mụn nhọt, lở loét, đinh râu, rắn cắn, giun. Nhân dân Java, Ấn Độ dùng để chữa bệnh lậu. Theo kinh nghiệm dân gian Malaysia, Diệp hạ châu có thể dùng để trị các chứng viêm da, viêm đường tiết niệu, giang mai, viêm âm đạo,… Công trình nghiên cứu tại Viện Dược liệu – Việt Nam (1987 – 2000) cho thấy khi dùng liều 10 – 50g/kg, Diệp hạ châu có tác dụng chống viêm cấp trên chuột thí nghiệm.

4. Điều trị các bệnh đường tiêu hóa 

Cây thuốc có khả năng kích thích ăn ngon, kích thích trung tiện. Người Ấn Độ dùng để chữa các bệnh viêm gan, vàng da, kiết lỵ, táo bón, thương hàn, viêm đại tràng. Nhân dân vùng Haiti, Java dùng cây thuốc này trị chứng đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa,..

5. Bệnh đường hô hấp 

Người Ấn Độ sử dụng Diệp hạ châu để trị ho, viêm phế quản, hen phế quản, lao,…

6. Tác dụng giảm đau 

Kenneth Jones và các nhà nghiên cứu Brazil đã khám phá tác dụng giảm đau mạnh và bền vững của một vài loại Phyllanthus, trong đó có cây Diệp hạ châu – Phyllanthus niruri. Tác dụng giảm đau của Diệp hạ châu mạnh hơn indomethacin gấp 4 lần và mạnh hơn 3 lần so với morphin. Tác dụng này được chứng minh là do sự hiện diện của acid gallic, ester ethyl và hỗn hợp steroid (beta sitosterol và stigmasterol) có trong Diệp hạ châu.

7. Tác dụng lợi tiểu 

Y học cổ truyền một số nước đã sử dụng Diệp hạ châu làm thuốc lợi tiểu, trị phù thũng. Ở Việt Nam, Diệp hạ châu được dùng sớm nhất tại Viện Đông y Hà Nội (1967) trong điều trị xơ gan cổ trướng. Một nghiên cứu của trường Đại học Dược Santa Catarina (Brazil-1984) đã phát hiện một alkaloid của Diệp hạ châu (phyllan thoside) có tác dụng chống co thắt cơ vân và cơ trơn, các nhà khoa học đã nhờ vào điều này để giải thích hiệu quả điều trị sỏi thận, sỏi mật của cây thuốc.

8. Điều trị tiểu đường 

Tác dụng giảm đường huyết của Diệp hạ châu (Phyllanthus niruri) đã được kết luận vào năm 1995, đường huyết đã giảm một cách đáng kể trên những bệnh nhân tiểu đường khi cho uống thuốc này trong 10 ngày.

Location

Trụ sở chính

22 Đường số 2, Phường 8, Quận 11, Tp. Hồ Chí Minh

Phone call

Điện thoại

028 668 56057

Hotline: 1900 636 811

Email

Thư điện tử

info@naturallink.vn